Sự hồi lưu của tĩnh mạch thừng tinh bị trở ngại, đám rối tĩnh mạch thừng tinh (đám rối tĩnh mạch hình dây leo) giãn rộng, ngoằn ngoèo, lộ rõ, gọi là giãn tĩnh mạch thừng tinh (Varicocele). Thường thấy ở thanh niên, trong độ tuổi từ 16 – 25 tuổi, tỷ lệ phát bệnh khoảng 15%, 99% bệnh phát ở một bên, xuất hiện ở cả hai bên chiếm khoảng 1%. Tương đương trong trung y gọi là chứng “Cân sán”.

I.Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:

Bệnh này thường do ngoại cảm hàn tà, ẩm thực bất tiết, thất tình nội thương, lao lực quá độ, mà gây ra ứ huyết nội đình, trở trệ lạc mạch mà thành bệnh.

  1. Ngoại cảm hàn tà: Do cảm phải hàn thấp tà, làm cho can mạch khí trệ huyết ngưng, lạc mạch trở trệ, cân mạch khúc trương (giãn nở, ngoằn ngoèo).
  2. Ẩm thực bất tiết: Ăn uống thương tỳ, làm cho tỳ hư khí hãm, huyết hành vô lực, huyết ngưng thành ứ; hoặc gây thấp nhiệt hạ chú, lạc mạch thất hòa (mất sự điều hòa), cuối cùng thì sinh bệnh.
  3. Lao lực quá độ: Khuâng vác nặng nhọc, lặn lội đường xa, phòng sự tổn thương, làm cho cân mạch thụ thương, can lạc ứ trệ mà gây bệnh.
  4. Thất tình nội thương: Tình chí không như ý, can khí uất kết, huyết mạch ứ trở mà thành bệnh.

II.Cơ chế, nguyên lý và quá trình phát sinh bệnh:

1. Yếu tố giải phẫu.
Máu của tinh hoàn và mào tinh hồi lưu thông qua tĩnh mạch thừng tinh, tĩnh mạch thừng tinh có thể chia thành 3 nhóm, nơi lỗ bẹn nông còn có các nhánh tuần hoàn thông nối với nhau.

Nhóm sau: tĩnh mạch tinh ngoài – tĩnh mạch thượng vị dưới → tĩnh mạch đùi → tĩnh mạch chậu ngoài. Nhóm giữa: tĩnh mạch ống dẫn tinh → tĩnh mạch bàng quang trên → tĩnh mạch chậu trong.

Nhóm trước: tĩnh mạch tinh trong. Tĩnh mạch tinh hoàn, mào tinh chủ yếu hồi lưu thông qua đám rối tĩnh mạch thừng tinh, đám rối tại lỗ bẹn sâu hợp thành 2 – 4 tĩnh mạch, xuyên qua lỗ bẹn sâu đi vào sau phúc mạc hợp thành 1 tĩnh mạch, gọi là tĩnh mạch tinh trong.

Tĩnh mạch tinh trong bên phải đi xiên lên trên nhập vào tĩnh mạch chủ dưới; tĩnh mạch tinh trong bên trái đi vuông góc nhập vào tĩnh mạch thận trái. Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường thấy ở bên trái nguyên nhân là: Một là tĩnh mạch tinh trong trái dài, tiến nhập thẳng lên vuông góc với tĩnh mạch thận trái, nên máu hồi lưu có sự kháng trở nhất định. Tĩnh mạch tinh trong trái tiếp với tĩnh mạch thận trái không có van cho nên máu dễ dàng đi ngược trở lại. Hai là vị trí tĩnh mạch tinh trong trái nằm sau đại tràng xích ma, nên dễ bị áp lực phân bên trong đại tràng ép vào, ảnh hưởng sự hồi lưu huyết dịch.

2. Yếu tố sinh lý
Độ tuổi thanh niên các chức năng hoạt động khá mạnh mẽ, nội tạng bìu được cung cấp máu dồi dào. Cho nên có một số trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh theo độ tuổi tăng dần mà từ từ giảm đi. Ngoài ra, đứng thời gian lâu làm tăng áp lực ổ bụng cũng là nhân tố gây nên bệnh.

3. Các yếu tố khác
Khối u sau phúc mạc, khối u thận, thận ứ nước… gây đè ép lên tĩnh mạch tinh trong có thể gây ra bệnh (nguyên nhân thứ phát) hoặc làm nặng thêm tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh. Nếu do nguyên nhân nguyên phát (do suy van) khi nằm nghỉ ngơi rất nhanh hồi phục lại bình thường, do nguyên nhân thứ phát thường không hồi phục hoặc hồi phục chậm.

III. CHUẨN ĐOÁN VÀ PHÂN BIỆT BỆNH GIẢN TỈNH MẠNH THỪNG TINH

1. Chẩn đoán

Bệnh này thường thấy trong độ tuổi thanh niên 20 – 30 tuổi, đại đa số không cảm thấy bất thường gì, chỉ khi đi khám mới phát hiện.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường phát sinh ở bên trái. Nơi bệnh thấy bìu sa xuống và cảm thấy tinh hoàn đau nhức, bệnh nặng lên khi đứng và đi lại, giảm khi nằm nghỉ ngơi. Thường kèm theo triệu chứng của thần kinh suy nhược; trường hợp nặng có thể kèm theo quan hệ khó khăn, teo tinh hoàn và vô sinh nam.

Kiểm tra ở tư thế đứng có thể thấy bìu sưng to, tinh hoàn sa xuống; tĩnh mạch giãn thành búi hoặc hình dạng như con giun, lúc nằm hoặc nâng bìu lên sẽ thấy giảm đi rõ rệt hoặc tiêu mất, khi đứng lên thì xuất hiện trở lại. Trường hợp không điển hình có thể sử dụng nghiệm pháp Valsalva’s để khám, cho người bệnh đứng thẳng, người khám dùng tay áp vào bụng bệnh nhân để tăng áp lực vùng bụng, kèm theo dặn bệnh nhân phối hợp hít sâu, nín thở và rặn làm tăng áp lực ổ bụng, đồng thời quan sát và sờ tĩnh mạch thừng tinh vùng bìu có thể phát hiện giãn tĩnh mạch với mức độ khác nhau tùy từng người.

Dựa vào thăm khám phía trên, trên lâm sàng chia giãn tĩnh mạch thừng tinh làm 3 mức độ:

Độ 1 (độ nhẹ): Khi đứng không thấy da bìu có nổi tĩnh mạch, nhưng có thể sờ thấy búi tĩnh mạch giãn trong bìu, hoặc khi làm nghiệp pháp Valsalva’s có thể thấy, khi nằm tĩnh mạch giãn nhanh chóng biến mất.

Độ 2 (độ trung bình): Khi đứng có thể nhìn thấy vùng bìu tĩnh mạch giãn rộng lộ ra, khi sờ tĩnh mạch trong bìu thì thấy tĩnh mạch giãn khá rõ ràng, đường kính khoảng 2mm, khi nằm thì thấy búi tĩnh mạch dần tiêu đi.

Độ 3 (độ nặng): Bề mặt da bìu tĩnh mạch nổi lớn nhìn thấy rõ, tĩnh mạch bên trong da bìu giãn nở thành hình dạng con giun rõ rệt, thành tĩnh mạch dày mà chắc; lúc nằm thì chậm tiêu biến.
Tĩnh mạch thừng tinh giãn càng rõ thì tinh hoàn càng teo nhỏ. Đồng thời độ chắc tinh hoàn mềm hơn, gợi ý ống sinh tinh cũng có sự bất thường, đây là biểu hiện sớm nhất của chức năng tinh hoàn bất thường. Thể tích tinh hoàn thấp hơn 15mm, thường có sự rối loạn hình thành tinh trùng.

Khám phụ thêm: kiểm tra bằng máy ảnh nhiệt hồng ngoại (TIC), siêu âm Doppler, chụp tĩnh mạch thận chọn lọc (phương pháp này là kiểm tra sự tổn thương, thường không làm thường quy).

2. Chẩn đoán phân biệt

Giãn ống bạch huyết thừng tinh do giun chỉ: thừng tinh dày hơn, uốn khúc, giãn rộng, tương tự như giãn tĩnh mạch thừng tinh, nhưng có bệnh sử viêm thừng tinh do giun chỉ tái đi tái lại, khám sờ nơi bìu thấy có khối sưng tròn, đứng rõ hơn, nằm giảm đi, có thể kèm theo tràn dịch màng tinh hoàn, sau khi ngủ có thể tìm thấy ấu trùng giun chỉ (microfilaria) trong máu ngoại vi (nếu có tràn dịch màng tinh hoàn thì có thể tìm thấy trong dịch tràn).

Lao mào tinh hoàn (tuberculosis of epididymis): cũng có thể có triệu chứng vùng bìu sa trướng khó chịu, nhưng thường kèm theo ống dẫn tinh thô dày lên và cứng rắn như chuỗi hạt, đuôi mào tinh sưng to và rắn chắc khác thường.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: cũng thường có triệu chứng tinh hoàn trướng đau, nhưng đa số kèm theo các triệu chứng khác của viêm tuyến tiền liệt mạn tính, như tiểu lắt nhắt, tiểu gấp, vùng đáy chậu căng đau hoặc đau âm ỉ, xét nghiệm dịch tuyến tiền liệt thấy có tế bào bạch cầu tăng; khám sờ không thấy tĩnh mạch thừng tinh giãn rộng.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh thứ phát (là triệu chứng của bệnh khác): có thể do u thận, thận ứ nước, mạch máu lạc chỗ (như hội chứng nutcracker…) và các bệnh lý gây tăng áp lực hoặc khối u, ung thư gây thuyên tắc tĩnh mạch thận khiến cho sự hồi lưu máu tĩnh mạch bị tắc trở gây ra. Có thể liệt kê sơ bộ các phương pháp phân biệt như sau:

a) Dấu khom lưng: khi khom lưng kháng lực máu hồi lưu về khá nhỏ, nên với bệnh nhân giãn tĩnh mạch nguyên phát giãn to thành búi có thể thu nhỏ lại, nhưng với bệnh nhân giãn thứ phát thì không cải thiện.

b) Dấu đè áp: cho bệnh nhân đứng tại chỗ sau khi sờ thấy tĩnh mạch giãn thành búi, dùng hai ngón tay đặt trước sau bóp nhẹ nhàng, do sự hồi lưu được cải thiện nên búi giãn nguyên phát sẽ co nhỏ lại, còn búi giãn thứ phát thì không thể thu nhỏ lại được.

Trên đây là những Chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt GIÃN TĨNH MẠCH THỪNG TINH. Những câu hỏi các bạn có thể đặt dưới phần bình luận của bài viết này nhé. Và có thể xem tiếp tục bài viết về Đông Y luận trị GIÃN TĨNH MẠCH THỪNG TINH nhé.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *